Bệnh ký sinh trùng nói chung, đặc biệt là bệnh mỏ neo là những bệnh thường gặp ở cá nuôi như cá chép, trắm, cá lạc, rô phi, cá koi, cá nhật, cá rồng, cá koi, cá đĩa và các loại cá cảnh khác. Cá bị nhiễm ký sinh trùng lúc đầu cảm thấy khó chịu, khả năng săn mồi giảm, cá có biểu hiện bơi lội bất thường, cá thường bị trồi lên mặt nước do bị trùng cắn.
Phòng và trị giun mỏ, luân trùng, và các loại ký sinh trùng có thể làm cho cá lớn nhanh và khỏe mạnh. Bài viết này giới thiệu các dấu hiệu nhận biết bệnh mỏ neo ở cá, tác nhân gây bệnh, con đường lây truyền và truyền bệnh. Từ đó đưa ra các phương pháp phòng trị bệnh: bảo vệ môi trường ao nuôi, dùng lá xoan, dùng thuốc tím…
Mục lục
Dấu hiệu bệnh lý trùng mỏ neo trên cá
Cá mới bị cảm nhiễm ký sinh trùng Lernaea, lúc đầu cảm thấy khó chịu. Biểu hiên cá bơi lội không bình thường, khả năng bắt mồi giảm dần. Lernaea lấy dinh dưỡng nên cá bị gầy yếu, bơi lội chậm chạp. Đối với cá hương, cá giống bị ký sinh trùng Lernaea ký sinh, cơ thể cá bị dị hình uốn cong, bơi lội mất thăng bằng. Cá bố mẹ bị cảm nhiễm Lernaea số lượng nhiều, tuyến sinh dục không phát triển được. Ví dụ một con cá chép cỡ 2 cm bị trùng Lernaea ký sinh một bên cơ thể sẽ làm lệch trọng tâm, cá bơi nghiêng. Nếu 2-3 trùng ký sinh trên 1 cơ thể cá làm cho cá không di chuyển đựơc và chết.
Lúc ký sinh phần đầu của Lernaea cắm sâu vào trong tổ chức ký chủ. Phần sau lơ lửng trong nước nên thường bị một số giống nguyên sinh động vật, tảo; nấm bám vào da cá phủ một lớp rất bẩn. Ký sinh một số lượng lớn trong xoang miệng làm cho miệng không đóng kín được; cá không bắt được thức ăn và chết. Lernaea ký sinh trên da, vây cá mè, cá trắm, cá chép và nhiều loài cá nước ngọt. Nhất là đối với cá vẩy nhỏ, cá còn non vẩy còn mềm, làm tổ chức gần nơi ký sinh sưng đỏ, viêm loét, tế bào hồng cầu bị thẩm thấu ra ngoài, tế bào bạch cầu ở trong tổ chức tăng, sắc tố da biến nhạt. Khi tổ chức bị viêm loét, mở đường cho vi khuẩn, các ký sinh trùng khác xâm nhập cá.
Tác nhân gây bệnh
Trùng ký sinh trên toàn bộ phần phía ngoài cơ thể cá như da, vây, đuôi, mắt, mũi, xoang miệng và mang. Chúng hút chất dinh dưỡng và gây nên những vết thương chảy máu.
Cá bị cảm nhiễm trùng mỏ neo, thường gầy yếu, ngứa ngáy khó chịu, bơi lội chậm chạp, khả năng bắt mồi giảm dần. Đối với cá hương, cá giống bị Lernaea ký sinh, cơ thể bị dị hình, uốn cong, bơi lội mất thăng bằng và chết rải rác tới hàng loạt. Một số trùng mỏ neo ký sinh trong miệng, làm miệng cá sưng lên và không đóng kín được, không ăn được.
Gây bệnh là giống Lernaea gây nên, ký sinh trên cá nuôi ở Việt Nam thường gặp một số loài Lernaea polymorpha, L. Cyprinacea, L. Ctenopharyngodontis. Cơ thể dài từ 6-12 mm, con đực nhỏ hơn con cái. Đầu có đôi sừng có hình dạng giống mỏ neo đâm sâu vào cơ thể ký chủ. Sau khi giao phối, con đực sống tự do trong nước vài ngày rồi chết; trong khi con cái lại sống ký sinh trên cá.
Phân bố và lan truyền bệnh mỏ neo
- Lernaea là các ký sinh trùng ngoại ký sinh trên da, vẩy, mang, hốc mũi, mắt, miệng của nhiều loài cá.
- Gặp ký sinh trên cá nước ngọt nhiều hơn cá nước mặn.
- Gặp ở ao nuôi cá con, ao nuôi cá thịt và ao nuôi cá bố mẹ nước ngọt.
- Gặp ở một số loài cá như trắm cỏ, mè trắng, mè hoa, cá chép, cá diếc và một số cá khác.
- Bệnh xảy ra quanh năm và có tỷ lệ cảm nhiễm cao.
- Nhiệt độ thích hợp cho trùng mỏ neo phát triển từ 18-30 độ C.
Phương pháp phòng và trị bệnh
Phương pháp phòng bệnh
- Giữ nước ao sạch, không dùng nguồn nước ở các ao cá bệnh đưa vào ao nuôi. Vì trong các ao đó có nhiều ấu trùng Nauplius và Metanauplius sống tự do.
- Dùng lá xoan bón lót xuống ao trước khi thả cá với số lượng 0.2-0.3kg/m³ nước để diệt ấu trùng Lernaea.
Phương pháp trị bệnh
- Dùng lá xoan 0,4-0,5kg/m³nước bón vào ao nuôi cá bị bệnh. Do lá xoan phân huỷ nhanh tiêu hao nhiều oxy và thải khí độc. Nhất là mùa hè nhiệt độ cao. Do đó phải theo dõi cấp nước kịp thời khi cần thiết.
- Dùng thuốc tím KMnO4 nồng độ 10-12 ppm tắm từ 1-2 giờ, ở nhiệt độ 20-30 độ C.
- Hoặc dùng Seaweed 2-2.5 lít/1.000 m³ nước, mỗi tuần xử lý 1 lần, trong 2 tuần.
Nguồn: hpstic.vn