Để thành công với mô hình chăn nuôi vịt thì đòi hỏi bà con phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trước khi chăn nuôi. Giai đoạn khó nhất trong quá trình này là gia đoạn chăm sóc và nuôi dưỡng vịt con. Đây là giai đoạn vịt dễ chết nhất, vì vịt con mới nở có sức đề kháng thấp, hệ tiêu hóa chưa hoàn thành… Nên bà con hết sức cẩn thận và chú ý đến vịt trong giai đoạn này. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu những kỹ thuật cần thiết để giúp vịt con có thể phát triển tốt.
Những chuẩn bị trước khi nuôi dưỡng vịt con
Trứng vịt sau 28 ngày ấp trứng sẽ nở, vịt con mới nở thường cho nhịn ăn, có thể sau 24 giờ mới cho ăn (nếu vịt chưa khô lông có thể cho nhịn lâu hơn). Sở dĩ như vậy vì sau khi nở ra trong bụng vịt con còn chứa một khối lượng lòng đỏ có tác dụng tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng cho vịt nếu cho vịt ăn ngay thì khối lượng lòng đỏ này không tiêu được dễ làm cho vịt chết trong tuần đầu.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Độn chuồng bằng trấu, phoi bào hoặc rơm, rạ khô không bị hôi, mốc.
Thường xuyên bổ xung thêm chất độn chuồng. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để nhốt và nuôi vịt như: vây, ràng hoặc cót, máng ăn, uống hoặc mẹt tre, tấm nilon thay cho máng ăn hoặc máng uống làm sao khi cho vịt ăn tất cả đều được ăn uống. Thường xuyên phải vệ sinh máng ăn, máng uống, chuồng trại và sân chơi. Nhiệt độ chuồng nuôi 5 ngày đầu đảm bảo 28-32 độ C sau đó giảm dần đến ngày thứ 10 trở đi đạt 22-26 độ C.
Kỹ thuật nuôi vịt con
Chọn giống vịt
Tùy thuộc vào nhu cầu nuôi, bà con có thể chọn giống vịt con chuyên hướng thịt, vịt siêu trứng hoặc giống vịt kiêm dụng.
Vịt hướng thịt có một số giống cho năng suất cao như: vịt CV super M/M2/M2 cải tiến, vịt Szarxvas, vịt Bắc Kinh, giống vịt Nông nghiệp 1 – 2…
Giống vịt con nuôi hướng trứng như: vịt cỏ, vịt Khaki Campbell, vị CV200 siêu trứng…
Giống vịt kiêm dụng: vịt bầu, vịt Kỳ Lừa Lạng Sơn, vịt cỏ, vịt anh đào, vịt bạch tuyết…
Yêu cầu khi chọn vịt con mới nở:
– Chọn những con vịt con nhanh nhẹn khỏe mạnh, mắt tinh nhanh, bụng mềm, lông có màu đặc trưng của giống, lông bông và xốp.
– Loại bỏ những con yếu ớt, bị bệnh khô chân, khoèo chân, hở rốn, bết lông, bụng cứng.
Nếu chọn vịt nuôi sinh sản thì trước khi đưa vào úm, bà con cần phân loại vịt đực – vịt cái sau đó nuôi ghép với tỉ lệ: 1 trống – 5 mái.
Đối với ánh sáng
Vịt con cần chiếu sáng 24 giờ/ngày ở 2 tuần đầu. Sau đó 18 giờ/ngày, ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Đối với thức ăn
Thức ăn đảm bảo chất lượng:
– Protein: 20-22%
– Năng lượng trao đổi: 2850-2950 Kcal/kg.
Nếu nuôi vịt thương phẩm từ 29 ngày tuổi đến khi giết thịt thức ăn đảm bảo:
– Protein: 17-18%
– Năng lượng trao đổi: 2900-3100 Kcal/kg.
Có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc dùng gạo lật nấu cơm (giai đoạn vịt nhỏ), thóc luộc, ngô bung, thóc sống (giai đoạn vịt lớn) trộn với bột cá, đỗ tương, Premik VTM, khoáng hoặc mồi tươi như tôm, tép, cá, cua, ốc, giun đất, don dắt,… Có thể sử dụng bổ sung hoặc thay thế thêm rau xanh, bã bia cho vịt ăn.
Vịt nuôi thương phẩm cho ăn tự do, nên kết thúc ở 7-8 tuần tuổi (giết thịt hoặc xuất bán).
Nuôi vịt bố mẹ sinh sản ngày đầu cho ăn 5g/con/ngày. Sau đó mỗi ngày cộng thêm 5g đến 28 ngày tuổi. Từ 29 – 56 ngày tuổi cho ăn 140g/con/ngày.
Vịt giống kết thúc ở 8 tuần chọn vịt chuyển lên hậu bị. Khối lượng vịt giống ở 56 ngày tuổi khống chế trong khoảng 1,8-2,2 kg là tốt nhất.
Nguồn: Gagiongvitgiong.com