Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức tiêu thụ chậm. Hiện nhiều sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt như cá vược, rô phi, cá bống tượng, cá rằn, thát lát, ếch, tôm càng xanh… hiện đang có giá thấp nhất so với hơn một tháng trước. Giảm từ 2000-10.000đồng/Kg.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vừa qua, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm. Do cung vượt cầu và tiêu thụ chậm nên giá nhiều loại thủy sản đã giảm. Ngoài ra, trong mùa mưa lũ, người dân có cơ hội đánh bắt các loại thủy sản ngoài tự nhiên cũng ảnh hưởng đến sức mua của nhiều loại cá, ếch nuôi.
Giá thủy sản tụt dốc ở mức rất thấp
Tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang… cá thát lát được nông dân bán cho thương lái chỉ còn 43.000 đồng/kg (loại 2-3 con/kg), trong khi vào những tháng đầu năm có giá 46.000-48.0000 đồng/kg.
Giá cá sặc rằn đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg, xuống chỉ còn ở mức 35.000-40.000 đồng/kg, loại 6-8 con/kg. Tương tự, tôm càng xanh cũng giảm hơn 10.000 đồng/kg, xuống còn trên dưới 160.000 đồng/kg (loại 1, cỡ 20 con/kg). Giá ếch nuôi từ ở mức hơn 40.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn trên dưới 35.000 đồng/kg. Cá rô nuôi được nông dân bán cho thương lái chỉ từ 23.000-24.000 đồng/kg (loại 6-8 con/kg). Cá rô phi và điêu hồng ở mức 30.000-35.000 đồng/kg (loại 2-3 con/kg). Riêng giá cá bống kèo dù có giảm khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so với trước nhưng vẫn đang ở mức cao, với khoảng 64.000 đồng/kg.
Dịch covid tác động đến ngành như thế nào?
Theo VASEP, đại dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh DN phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến DN chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đại dịch Covid-19.
Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 563 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2,18 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch covid – cả thách thức và cơ hội
Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm. Tác động giảm giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Trong các sản phẩm xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên 29%; mực bạch tuộc giảm 24%; cá ngừ giảm 10%. Trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường. Giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn. Tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ. Cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ, căng-tin. Trong khi đó, tôm với các loài và size cỡ và dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ; phù hợp cho chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội. Một số sản phẩm hải sản cũng tương tự.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); đại dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam. Bao gồm cả những thách thức và cơ hội mới.
Nguồn: Tepbac.com