Học hỏi mô hình nuôi cá dầm xanh ở tỉnh Hòa Bình

mất:3 phút, 53 giây để đọc.

Cá dầm xanh – hay còn gọi là cá bỗng, là một loại cá đặc sản quý hiếm, ngày xưa được dùng để tiến vua. Có thể nhiều người vẫn còn xa lạ với loại cá này, tuy nhiên với những người sành ăn hoặc người dân ở khu vực Tây Bắc thì sẽ biết đến loại cá này. Cá dầm xanh có thịt ngọt, chứa nhiều dinh dưỡng, mùi vị không lẫn vào đâu được. Ngày nay, cá dầm xanh được bán với giá trị rất cao, và được nhiều người tìm mua. Nhận thấy được giá trị kinh tế của loại cá này, nhiều người dân ở Hòa Bình đã phát triển mô hình nuôi cá dầm xanh và bước đầu đã đạt nhiều thành công.

Giới thiệu đôi nét về cá dầm xanh

Cá dầm xanh thường sống ở tầng đáy của sông. Nhất là các con sông, con suối của vùng núi Tây Bắc. Cá có miệng dày và có vảy óng ánh màu ửng xanh. Thức ăn của cá dầm xanh là mùn bã hữu cơ, các loại tảo và động vật không xương sống cỡ nhỏ ở đáy sông. Hàng năm, đến mùa sinh sản, cá dầm xanh thường chui vào các hang động để đẻ trứng. Cá dầm xanh thuộc họ cá chép và di cư theo mùa. Cá có ruột rất dài, gấp 10 lần chiều dài của thân.

Hình ảnh cá dầm xanh

Điểm đặc biệt nữa ở cá dầm xanh là thịt thơm ngọt từ khi còn nhỏ như đầu ngón tay cho tới khi có trọng lượng trung bình 6 – 7kg. Không giống như các loại cá khác là chỉ ngon khi trọng lượng lớn. Hơn nữa, thịt của cá dầm xanh còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Như đạm, protein, canxi, chất béo, chất khoáng, vitamin.

Người dân Hòa Bình phát triển mô hình nuôi cá dầm xanh

Cá dầm xanh được thị trường ưa chuộng bởi thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao. Người dân xã Mai Hịch (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã duy trì, mở rộng diện tích ao nuôi. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ông Ngần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mai Hịch, cho biết: “Xã có 9 xóm, xóm nào cũng có mô hình nuôi cá dầm xanh. Tập trung nhiều ở xóm Hịch 1, Hịch 2 với trên 70% hộ nuôi. Hộ nuôi nhiều diện tích ao từ 500 – 1.000 m2. Hộ ít từ 100 – 200 m2.”

“Chất lượng cá được thị trường đánh giá cao. Đầu ra ổn định, bán được giá. Do đó, nhiều hộ có thu nhập khá, cũng có hộ thoát nghèo từ nuôi cá. Việc duy trì, mở rộng diện tích ao nuôi, nâng cao chất lượng cá dầm xanh được xã đưa vào nghị quyết. Xây dựng thành sản phẩm hàng hóa chủ lực. Nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương”.

Ao nuôi cá dầm xanh

Xóm Hịch 2 có 151 hộ, hầu như hộ nào cũng có ao cá. Theo người dân đánh giá, chất lượng cá tại địa phương có vị đậm đà hơn các vùng khác, thịt cũng chắc hơn. Cá nuôi càng lâu, trọng lượng càng lớn, có con đến 3 – 4 kg. Là giống cá quý, không dễ nuôi. Nên cá dầm xanh giá bán khá cao. Có thời điểm 70.000 – 80.000 đồng/kg. Cá càng to, giá trị càng tăng.

Ao cá quyết định đến chất lượng cá

Theo kinh nghiệm người nuôi cá ở đây, quan trọng nhất là thiết kế xây ao cá phù hợp. Ao được thiết kế với 1 cửa nước vào, 1 cửa nước ra để đảm bảo nước được sạch, nếu không cá phát triển chậm, sản lượng hàng năm thấp, lời lãi không được nhiều vì giá con giống đã rất cao, 5.000 – 6.000 đồng/con giống. Nuôi cá dầm xanh chỉ hợp với vùng có suối nước lạnh chảy qua, nếu dùng máy bơm, lọc nước rất tốn kém. So với những loài thủy sinh khác, cá dầm xanh có khả năng kháng bệnh tốt, chịu được điều kiện bất thường của thời tiết, khi đã xây ao cá hợp lý thì việc nuôi dễ dàng.

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xã Mai Hịch đã triển khai các chương trình vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, mở lớp tập huấn về nuôi cá dầm xanh cho người dân trên địa bàn. Khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi cá dầm xanh, tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Nguồn: thuysanvietnam.com.vn

, ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *