Hiện nay gà tam hoàng là giống gà đang thu hút người dân bởi mô hình trang trại nuôi gà tam hoàng có tỷ lệ sống cao, kháng bệnh tốt, loài gà này rất chịu khó hoạt động để kiếm mồi nên thịt và trứng rất thơm ngon. Nếu bạn nắm được những công nghệ chăn nuôi tiên tiến, cách nuôi và cách làm chuồng nuôi gà tam hoàng thì giống gà này sẽ cho năng suất trứng và thịt rất cao. Do đó, nếu bạn có ý định nuôi loại gà này thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Yêu cầu chung
Chuồng nuôi gà Tam Hoàng phải đảm bảo thoáng mát, khô ráo ban đêm và mùa đông ấm áp. Chuồng nên làm nơi cao ráo, hướng Đông nam, mát, tận dụng càng nhiều ánh sáng mặt trời càng tốt. Ánh sáng sẽ diệt vi khuẩn, chống ẩm mốc hạn chế dịch bệnh. Chuồng phải thiết kế sao cho thông thoáng tự nhiên tốt. Xung quanh dùng lưới hoặc tre đan làm song, có rèm che bằng cót, bao tải, bì xác rắn…. Lúc sáng sớm chống rèm lên cho thoáng, lúc mưa gió và ban đêm hạ rèm xuống.
Nếu dùng lưới che thì tường phiá dưới xây cao 30 -40 cm. Nếu nuôi nền phải lót trấu, dăm bào, rơm, cỏ khô cắt ngắn. Có thể làm sàn bằng tre gỗ cao 40 -60cm so với mặt nền cho phân rớt xuống nền để dễ dàng hốt phân. Máng ăn, máng uống treo hoặc gác lên bệ rải đều khắp chuồng. Mái chuồng có thể lợp bằng tôn, lá hoặc ngói. Lợp tôn bền nhưng nóng hơn lợp lá. Nếu nuôi gà thịt theo dạng bán công nghiệp (khoảng 3 tháng xuất chuồng) chỉ cần làm chuồng rộng khoảng 10 – 15m2, còn nếu nuôi 100 gà mái đẻ cần chuồng rộng 20 – 25 m2.
Cách làm chuồng trại đúng cách cho gà phát triển
Nếu nuôi nhốt thì cần phân bố chú ý mật độ gà thịt hợp, không nuôi quá đông gà trong một khu để tránh thiếu thức ăn và gà bị ngợp. Nên xây chuồng hướng về phía Đông Nam để tránh các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sàn chuồng có thể làm bằng lưới hoặc tre, cách mặt đất khoảng 0,5m để tạo dễ dàng dọn vệ sinh. Chuồng nuôi cần bố trí thêm rèm che, cót quây, chụp sưởi ấm, máng ăn, máng uống đã khử trùng cho gà. Đặc biệt chuồng cần phải đảm bảo không khí thoáng mát mùa hè và ấm vào mùa đông.
Cần đổ thêm chất độn chuồng để giữ vệ sinh như trấu, dăm bào sạch và bố trí nhiều đèn 75W để sưởi ấm cho gà. Khi gà còn nhỏ thì nên xây dựng lồng úm để nuôi gà. Cần đặt thêm các máng uống, máng ăn xen kẽ với nhau vì gà có tập tính ăn với uống cùng lúc và thường xuyên thay nước sạch cho gà 2-3 lần mỗi ngày. Ngoài ra, người nuôi cùng nên đặt thêm một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ để gà ăn giúp hệ tiêu hóa tốt hơn và bố trí thêm càn giàn đậu cao để gà có thể ngủ thoải mái.
Chuồng úm nuôi gà Tam Hoàng
Có thể úm gà trong chuồng sau này nuôi gà lớn, nhưng phải có phên che kín xung quanh dể tránh gió lùa. Nếu úm nền thì chỉ cần lót trấu, dăm bào dày 7 – 10 cm, dùng quây bằng cót cao 50 – 70 cm. Quây dài ngắn tùy thuộc số lượng gà. Nếu úm trên lồng chuồng úm gà con có thể làm bằng sàn tre, gỗ lót thêm lưới ô vuông diện tích ô 1cm2, chuồng cao 40 – 50cm, diện tích 1m x 2 m = 2 m2 cho 100 gà. Chung quanh làm dóng tre cách nhau 2 – 2, 5 cm, che lưới khi gà còn bé, sau đó bỏ lưới để cho gà thò đầu ra ăn, uống (máng đặt ngoài chuồng). Che chuồng cho ấm bằng bao tải, bì xác rắn, bìa các tông, hay thậm chí có thể dùng lá chuối khô.
Dụng cụ chăn nuôi
Máng ăn
Gà mới nở, 2 – 3 ngày đầu rải thức ăn trên giấy lót. Sau đó có thể dùng mẹt vành thấp hoặc khay nhôm hoặc máng có trục quay dùng cho gà con để trong chuồng (cho đến 2 tuần tuổi). Sau đó để máng ăn dài ở ngoài chuồng úm. Sau giai đoạn úm, khi thả xuống chuồng nên dùng máng tròn tự động bằng nhựa hoặc tôn. Máng loại phi 50 dùng cho khoảng 25 – 30 gà thịt. Chú ý máng luôn treo ngang tầm lưng của gà để tránh rơi vãi thức ăn.
Máng uống
Gà nhỏ, gà lớn đều dùng loại máng golon là tốt nhất. Loại nhỏ : 1 – 2 lít cho gà con (1 – 2 máng cho 100 con), loại lớn: 3,5 – 4 lít cho gà lớn. Có thể tận dụng làm máng kiểu này bằng vỏ hộp sắt úp ngược vào dĩa đáy bằng có gờ hoặc dùng chai, ống bương treo ngược. Hoặc dùng máng dài bằng tôn hoặc ống bương, ống nước treo ngoài chuồng.
Chụp úm
Có thể dùng đèn điện, đèn dầu, đèn bào, bếp than, nên tự tạo chụp bằng tôn hoặc nhôm để giữ nhiệt. Chuồng 2 m2 có thể dùng 2 bóng 75W cho 100 gà. Nhiệt độ chuồng nuôi cần cho gà trong những tuần đầu như sau:
+ 1 tuần (1 – 7 ngày): 34 – 32°c
+ 2 tuần (8 – 14 ngày): 32 – 30°c
+ 3 tuần (15 – 21 ngày): 30 – 28°c
+ 4 tuần (22 – 28 ngày): 28 – 26°c
Như vậy thực ra ta chỉ cần úm cho gà 2 tuần đầu. Những tuần sau đó chỉ những lúc mưa lạnh hoặc ban đêm mới cần đốt đèn. Muốn biết nhiệt độ trong chuồng úm có phù hợp hay không tốt nhất nên quan sát hoạt động của đàn gà. Nếu lạnh gà sẽ dồn đống tụ tập dưới nguồn nhiệt. Nếu quá nóng gà tản ra xa nguồn nhiệt, gà sã cánh đứng há mỏ để thở, nhiệt độ thích hợp gà phân tán đều trong chuồng, gà hoạt động nhanh nhẹn.
Ổ đẻ
ổ đẻ có thể tận dụng hộp cáctông nhỏ (thùng bia, thùng nước ngọt…), thúng mủng; rổ rá hư lót rơm hoặc trấu hoặc có thể đóng bằng gỗ. Mỗi ổ đẻ cho 4 – 5 gà mái. Ổ đẻ nên để ở nơi tối trong góc chuồng để gà mái khỏi bị quấy rầy. Nói chung gà Tam hoàng vẫn có một, con có phản xạ đòi ấp (khoảng 20%). Nhưng gà Tam hoàng không khéo ấp bằng gà ta. Cho nên tốt nhất là dùng các biện pháp cai ấp để tăng năng suất trứng. Có thể thu trứng cho gà ta ấp hoặc sử dụng tủ ấp thủ công qui mô nhỏ để ấp. Kỹ thuật ấp trứng gà Tam hoàng không khác so với ấp trứng các giống gà khác.
Sân, vườn
Gà nuôi bán chăn thả phải có sân hoặc vườn cho gà cào bới. Diện tích tối thiệu là 5m2/con. Có thể dùng lưới cước để quây vì gà Tam hoàng thường không bay cao như gà ta. Sau 1 – 2 tháng nên đổi sân trước ra sân sau hoặc quây sang khu vực khác để gà kiêm được nhiều mồi hơn và sát trùng vùng sân cũ. Trong sân hoặc vườn nên có hố cát để gà tắm.
Nguồn: Caytrongvatnuoi.com