Giống gà màu gây chú ý do hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nước trên thế giới phát triển chăn nuôi, giá thành sản phẩm thường cao gấp đôi so với gà công nghiệp. Vì thế cần phải nghiên cứu và tổ chức làm mô hình chuồng nuôi gà màu này thật tốt để tạo hiệu quả cao. Chúng ta cần xác định cách thức kinh doanh theo phương thức nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững của gà màu, từ đó đề xuất kế hoạch xây dựng chuồng gà. Vấn đề trước khi bắt tay vào xây dựng chuồng trại là xây dựng chuồng kín hoặc nửa kín. Chúng tôi sẽ chia sẻ một vài góc nhìn để bạn có thể nhận lấy câu trả lời phù hợp.
Chuồng kín và bán kín là gì?
Chuồng kín được hiểu là chuồng có hai hông được xây bằng gạch kín, có cửa sổ ô thoáng. Chuồng bán kín được hiểu là chuồng có hai hông thường được dựng lưới B40 và được che bằng bạt, có thể cuộn lại, khi đó chuồng sẽ trở thành chuồng hở. (Chuồng nửa kín, nửa hở). Sẽ có rất nhiều chuyên gia (cám, giống, thuốc, kỹ thuật thú y…) sẽ khuyên bạn là nên làm dạng chuồng này mà không nên làm dạng chuồng kia. Dưới nhiều góc nhìn chúng ta xem xét nên làm dạng chuồng nào nhé.
Góc độ nhìn nhận phù hợp với vật nuôi
Chăn nuôi gà màu trong điều kiện chuồng lạnh, có thể điều khiển được tiểu khí hậu (nhiệt độ, tốc độ gió) thì đương nhiên sẽ rất phù hợp, giúp vật nuôi lớn nhanh, kiểm soát dịch bệnh tốt.
Một điểm nữa là đặc thù gà màu theo thị hiếu tiêu dùng của nhiều vùng vẫn ưa mẫu mã nên đòi hỏi giai đoạn cuối tăng cường ánh sáng để cho gà có mẫu mã đẹp. Chính vì thế mô hình chuồng bán kín sẽ cho lượng ánh sáng nhiều hơn chuồng kín. Tuy nhiên cũng có thể cải thiện lượng ánh sáng chuồng kín bằng cách tăng cường bóng điện chiếu sáng trong chuồng và làm nhiều cửa sổ lấy sáng.
Ở góc độ hiệu quả chăn nuôi
Hiệu quả chăn nuôi được xem là các chỉ số tăng trưởng vật nuôi: Tốc độ lớn, Tiêu tốn thức ăn… Theo nhiều kết quả đánh giá sau mỗi lứa nuôi thì các chỉ số này gần tương đương nhau, không có sự khác biệt lớn.
Ở góc độ vận hành, sửa chữa, khấu hao
+ Chuồng bán kín là chúng ta có cuộn bạt che hai hông nên việc hỏng hóc là điều dễ xảy ra hơn tường xây. Khi đó chi phí sửa chữa, thay thế cũng cao hơn nếu chúng ta không dùng loại bạt tốt. Loại bạt thường chỉ khoảng 3-5 năm là phải thay thế. Các con quay để cuộn bạt cũng nhanh phải thay thế. Còn tường xây thì gần như chúng ta dùng vĩnh viễn. Dùng bạt cũng dẫn tới việc vận hành khó hơn khi phải cuộn lấy sáng.
+ Dùng bạt hông việc kiểm soát tiểu khí hậu trong chuồng cũng bị hạn chế hơn. Đặc biệt đối với khí hậu nóng của miền Bắc, sẽ tốn tiền điện và nước nhiều hơn. Dùng tường xây thì hiệu quả chống nóng tốt hơn rất nhiều.
Ở góc độ thời gian thi công và chi phí xây dựng ban đầu
Dựa trên thiết bị có sẵn thì việc thi công chuồng bán kín sẽ có thời gian nhanh hơn chuồng kín. Thường thì nhanh hơn khoảng 15-20 ngày công. Chi phí xây dựng ban đầu với chuồng kín thì kiên cố hơn, sẽ tốn hơn chuồng bán kín. Chênh lệch chi phí khoảng 30% (Ví dụ chuồng 1000 m2 thì bán kín chỉ hết khoảng 700 triệu, chuồng kín hết khoảng 900 triệu.)
Mỗi dạng chuồng sẽ có ưu thế khác nhau. Tùy thuộc theo khu vực xây dựng, tình hình tài chính, mục đích sử dụng chuồng mà chúng ta có thể lựa chọn dạng chuồng khác nhau. Ví dụ:
+ Theo khía cạnh thời tiết và vận hành, chi phí xây dựng thì khu vực Tây Nguyên rất phù hợp với chuồng bán kín. Miền Bắc và Trung phù hợp với chuồng kín thì tốt hơn.
+ Theo khía cạnh chi phí ban đầu thì xây chuồng bán kín lại ưu thế hơn, phù hợp với những người có tài chính còn eo hẹp hay chủ đầu tư xây cho thuê.
Chuồng trại và điều kiện chăn nuôi
Yêu cầu chung
Xây dựng chuồng trại gà màu đảm bảo thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nền chuồng nên láng phẳng bằng xi măng, mỗi chuồng cần có hiên rộng từ 1 – 1,5m để tránh mưa gió hắt vào. Chuồng nuôi gà màu đảm bảo khô ráo và đặc biệt phải có ánh nắng chiếu vào.
Bãi chăn thả có độ dốc từ 5 – 450, không đọng nước, có cây tạo bóng mát, thông thoáng tốt. Bãi chăn thả có thể lợi dụng vườn cây ăn quả, hoặc các đồng ruộng khô ráo sau thu hoạch,… gà sẽ tận dụng được các loại cây xanh, sâu bọ, côn trùng, sỏi cát của vườn, đồng thời diệt được cỏ dại, sâu hại cho cây ăn quả. Bãi chăn thả rộng có thể chia thành nhiều khu để chăn thả luân phiên và tẩy uế, sát trùng được thuận lợi. Diện tích bãi chăn tối thiểu 3 m2/con. Trong bãi chăn có thể nuôi giun đất tạo nguồn thức ăn bổ sung đạm cho gà và kích thích gà vận động.
Khu vực chăn nuôi phải có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh. Cần có hệ thống cổng ra vào, hệ thống hố sát trùng. Bảo vệ cơ thể tắm gội thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu vực chăn nuôi. Nếu chăn nuôi hộ gia đình thì phải có quần áo ở khu chăn nuôi và phải có bảo hộ lao động như ủng, khẩu trang….
Chuồng nuôi gà màu
Chuồng nuôi thực hiện phương thức “cùng vào – cùng ra” như vậy sẽ không chỉ ngăn chặn được bệnh tật mà còn hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
Trước khi nuôi gia cầm phải tẩy rửa vệ sinh toàn bộ chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Có thể phun thuốc sát trùng: Biocid 0,3%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%,… Quét vôi trắng nền chuồng, tường và hành lang chuồng nuôi, để khô. Sau đó phun lại lần cuối trước khi thả gia cầm vào nuôi 1 ngày. Sau khi phun 5 giờ, mở cửa cho thông thoáng bay hết mùi rồi mới cho gà vào. Nếu khu đã chăn nuôi thì phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) thì mới đưa gia cầm vào nuôi.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, nhưng tránh gió lùa. Chuồng úm gà 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không. Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây. Tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gà chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt có thể làm cho bệnh tật phát sinh. Cụ thể các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt.
Lối ra vào chuồng nuôi phải có hố sát trùng hoặc phải có khay đựng thuốc sát trùng (Crezin 3%, foocmon 2% hoặc vôi bột) để sát trùng ủng và xe cải tiến trước khi vào chuồng nuôi.
Chuẩn bị dụng cụ chăn nuôi
Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quây gia cầm… phải được tẩy rửa, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô. Phơi khô phun hoặc xông bằng thuốc tím và focmon chất độn chuồng. Độ dày của chất độn chuồng tùy thuộc vào mùa vụ.
Các thiết bị chăn nuôi như chụp sưởi, máng ăn, máng uống phải được sắp đặt sẵn ở trong quây. Tất cả phải bật chụp sưởi cho ấm trước khi thả gà mới nở vào. Xung quanh chuồng phải chuẩn bị hệ thống bạt che. Các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông focmon trước khi đưa vào sử dụng. Xác định diện tích nền chuồng để quây gia cầm cho thích hợp.
Nguồn: Trangtrai3f.com