Bệnh hen gà hay còn gọi là bệnh CRD hoặc bênh hô hấp mạn tính trên gà. Nguyên nhân là do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhiễm vào cơ thể gà, nó sẽ gây khó thở, hay thở khò khè (giống biểu hiện của người bị hen nên mọi người gọi nó với cái tên dễ nhớ là bệnh hen gà). Bệnh CRD sẽ làm giảm sức đề kháng của gà thậm chí là xuất hiện trên một số loại gia cầm khác. Tạo điều kiện cho các vi khuẩn có cơ hội tấn công và gây bệnh kế phát.
Bạn tò mò CRD là gì? nó là tên viết tắt của Chonic Respiratory Disease – Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mặc dù, không gây nguy hiểm như bệnh Marek – căn bệnh được ví như ung thư ở gà. Nhưng CRD ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của đàn gà. Khiến đàn gà giảm sức đề kháng, giúp các vi khuẩn, virus khác xâm nhập dễ dàng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh CRD ở gà là do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây nên. Chúng tồn tại trong cơ thể và gây bệnh trên gà khi có các tác nhân stress như việc thay đổi thời tiết đột ngột, sức đề kháng kém. Mycoplasma gallisepticum chỉ sống được từ 1 đến 3 ngày khi ra khỏi cơ thể, trong dịch nhầy chúng có thể tồn tại từ 4 – 5 ngày, trong lòng trắng trứng có thể đến 18 ngày.
Dịch tễ học
Bệnh hen ở gà xảy ra chủ yếu ở gà 2 – 12 tuần tuổi và những con gà mái chuẩn bị đẻ, bệnh bùng phát mạnh mẽ vào vị đông xuân khi mà độ ẩm không khí tăng cao. Các loại gia cầm có khả năng mắc bệnh như vịt, ngan, ngỗng, chim, gà,…
Bệnh lây truyền dọc từ gà bố mẹ sang gà con qua trứng, đây là con đường lây bênh nguy hiểm đối với các trang trại gà giống. Hoặc lây truyền qua dụng cụ chăn nuôi, công nhân chăm sóc, sự tiếp xúc giữa gà bệnh với gà khỏe… Đặc biệt ở môi trường ẩm, nhiều NH3, H2S, khí độc, bụi từ phân chất độn chuồng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nổ ra khi có sự thay đổi của thời tiết đột ngột, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng thay đổi hoặc kế phát bệnh khác.
Bệnh thường ghép với bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm, bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, gumboro, …
Gà mắc bệnh tỷ lệ chết thấp nhưng gà chậm lớn, giảm khối lượng, khi khỏi bệnh con vật cũng không thể phục hồi thể trạng như ban đầu. Gà đẻ mắc bệnh sản lượng trứng giảm từ 10 – 40%.
Triệu chứng bệnh hen gà
- Gà ốm ủ rũ, giảm ăn, chậm lớn, suy nhược.
- Gà khó thở, ho hen, sặc khoẹt.
- Chảy nước mũi, nước mắt, viêm mí mắt, đôi khi thấy phù đầu.
- Ở gà đẻ, sản lượng trứng giảm.
Bệnh tích
- Khí quản xung huyết, có bọt.
- Phổi bị bầm huyết.
- Túi khí viêm, mờ đục.
- Phòng và trị bệnh
Trị bệnh hen gà
Tạo độ thoáng, giảm mật độ gà/m2 chuồng. Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi: Vinadin, Vinadin 600, Chlorine dioxide, Vina aqua….
– Vinadin: 100ml thuốc pha với 10 lít nước.
– Chlorine dioxide: 1g pha với 1 lít nước.
Sử dụng một trong các kháng sinh: Anti CRD, Tylosin 98%, Tiamulin 10%, Gentatylodex oral, Ampicoli fort…
– Anti CRD: 2gr/ lít nước/ ngày, dùng liên tục 4-7 ngày.
– Tylosin 98%: 1g/1 lít nước hoặc trộn với 0,5 kg thức ăn/ngày. Dùng liên tục 4-5 ngày.
– Tiamulin 10%: Pha nước uống hoặc trộn thức ăn gói 20g/100 kg gia cầm.
– Gentatylodex oral: Hòa với nước uống hoặc trộn thức ăn 1g/5kg P/ngày.
– Sulmix-plus: 1-1,5g/lít nước, dùng 3 – 6 ngày liền.
Bổ trợ, tăng sức đề kháng: B.complex, Vinamix 200, Stress-bran, Enzym phyte 1…
– B.complex for oral: Một gói 100g thuốc pha với 300 lít nước hoặc trộn với 100 kg thức ăn hỗn hợp.
– Vinamix 200: 1 g/1 lít nước/ngày dùng liên tục trong 10 ngày hoặc cả quá trình nuôi.
– Stress-bran: 1g thuốc pha trong 2 lít nước, thuốc dùng liên tục trong 4-5 ngày.
Phòng bệnh hen gà
Giữ cho chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, đảm bảo độ thoáng chuồng nuôi.
Sát trùng chuồng trại định kỳ bằng: Vinadin, Vinadin 600, Chlorine dioxide, Vina Aqua…
Quy trình phòng bệnh CRD trên gà:
Dùng mỗi đợt thuốc 3 ngày, liều phòng bằng ½ liều chữa bệnh.
* Chú ý: Nên luân chuyển thuốc phòng trị bệnh sau mỗi 2 tháng.
Nguồn: Vinavetco.com